Kim Ngân là một trong những cây cảnh được trồng rất phổ biến ở nước ta. Đây là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuy nhiên nếu bạn không biết cách chăm sóc đúng cách sẽ dẫn đến chết cây. Việc để chết cây không chỉ làm tốn tiền, tốn thời gian chăm sóc mà trong phong thuỷ nó còn là điều không may mắn. Vì vậy, trong bài viết này, Canhquantv.vn giúp bạn chỉ ra những bệnh thường gặp ở cây Kim Ngân và cách xử lý.
Cây Kim Ngân bị vàng lá, úa lá
Nguyên nhân:
Cây Kim Ngân bị vàng hoặc úa lá có thể do các nguyên nhân như:
Thời tiết khô nóng, môi trường có độ ẩm thấp.
Cây tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp của mặt trời quá lâu, hoặc những nơi có nhiệt độ cao như bếp lửa hoặc các luồng khí nóng như điều hoà.
Lượng phân bón cho cây quá nhiều hoặc thiếu nước.
Sốc nhiệt bởi di chuyển cây từ những nơi lạnh sang nóng hoặc ngược lại.
Cách xử lý:
Khi thấy lá cây có biểu hiện chuyển từ màu xanh sang vàng úa, bạn cần cắt bỏ những lá bị vàng. Dọn sạch những lá vàng rụng ở gốc cây để tránh các mầm bệnh khác tấn công. Đồng thời thực hiện các công việc sau:
Tăng độ ẩm cho cây. Bạn có thể tưới hoặc phun sương cho cây bằng bình xịt từ 2 – 3 lần/ngày.
Nếu cây đang ở những vị trí nắng nóng như ánh nắng trực tiếp của mặt trời hay những luồng khí nóng thì rời cây vào nơi râm mát.
Điều chỉnh lượng phân bón hợp lý, không bón phân quá nhiều. Ngoài ra cần tưới nước vừa đủ, tránh những nơi có gió lớn.
Lá cây Kim Ngân bị nâu
Nguyên nhân:
Khi lá chuyển từ màu xanh sang màu nâu là do cây quá già và bị lão hoá. Tuy nhiên nếu cây của bạn đang tươi tốt bỗng nhanh chóng chuyển sang màu nâu thì chắc chắn vấn đề là do nước. Một số nguyên nhân dẫn đến cây thiếu nước như:
Tưới cây không thường xuyên
Chất lượng đất thấp không giữ được nước
Rễ cây bị hỏng hoặc có thể trước đó tưới nước quá nhiều làm thối rễ
Cách xử lý:
Trong trường hợp này cây Kim Ngân có thể cứu được chỉ cần điều chỉnh lại chế độ tưới nước.
Loại bỏ những chiếc lá bị nâu ra khỏi cây.
Có thể thêm vỏ trứng hoặc nước luộc trứng để nguội vào đất để tăng cali và canxi cho Kim Ngân.
Tăng độ ẩm không khí.
Cây Kim Ngân bị đốm lá
Khi bị bệnh đốm lá, lá cây sẽ xuất hiện những đốm nâu với hình dạng không xác định, viền lá có màu vàng. Đặc biệt bệnh này lây lan rất nhanh làm cho cây bị rụng lá.
Nguyên nhân:
Một số nguyên nhân có thể làm Kim Ngân bị đốm lá như:
Thiếu kali
Tưới quá nhiều nước
Nấm Colletotrichum sp
Cách xử lý:
Khi mới xuất hiện đốm lá bạn có thể xử lý bằng cách sử dụng các loại thuốc gốc đồng như: boođô 1%, Bacba 86 WP, COC 85 WP, Kocide hoặc thuốc có hoạt chất trừ nấm Difenoconazole thuộc nhóm Triazole. Đây là hoạt chất nội hấp, có phổ tác động rộng phòng trị được nhiều loại nấm bệnh khác nhau. Bởi một trong những nguyên nhân chính làm cây bị đốm lá là do nấm, khi mưa xuống kết hợp với gió làm cho nấm bệnh càng lây lan nhanh.
Bên cạnh đó, bạn nên bổ sung kali cho cây bằng cách pha loãng cùng nước và tưới quanh gốc. Ngoài ra, bệnh đốm lá phát triển cũng có thể do Rầy và rệp tấn công cây. Để khắc phục, bạn có thể dùng một lượng thuốc Diazan vừa đủ để xịt cho cây. Đồng thời bạn nên lau lá thường xuyên bằng nước muối pha loãng để cây sáng, đẹp và khỏe mạnh.
Lá cây Kim Ngân xuất hiện những đốm nâu có hình dạng bất định
Cây Kim Ngân bị rụng lá
Nguyên nhân:
Kim Ngân bị rụng lá một hiện tượng sinh lý cây trồng. Nguyên nhân do môi trường gây ra như:
Thiếu nước
Thiếu ánh sáng
Đất quá chua
Bón phân không đúng quy định
Cách xử lý:
Loại bỏ những lá vàng
Kiểm tra cây và đất trồng
Điều chỉnh chế độ tưới hợp lý, bón phân cân đối.
Kim Ngân bị thối rễ và mốc
Nguyên nhân:
Cây Kim Ngân bị thối thân là một bệnh thường gặp ở loại cây này. Những nguyên nhân dẫn đến thối rễ có thể kể đến như:
Độ ẩm quá cao
Đất ngập úng do tưới quá nhiều.
Cách xử lý:
Để xử lý cây bị thối rễ ta cần làm các bước sau:
Bước 1: Tách cây khỏi chậu đất
Bước 2: Kiểm tra xem cây còn cứu được hay không bằng cách dùng dao tách nhẹ phần vỏ cây. Nếu vẫn còn màu xanh là cứu được, nếu thân đã chuyển sang màu nâu thì cây đã chết.
Bước 3: Đối với cây còn sống, cần rũ sạch đất ra khỏi thân và bộ rễ của cây.
Bước 4: Dùng kéo cắt hết những phần rễ bị thối hoặc dập hỏng.
Bước 5: Bôi thuốc Ridomil lên vết cắt nhằm chống thối rễ.
Bước 6: Trồng cây vào đất mới.
Sâu bệnh thường gặp
Rầy mềm
Vào mùa hè khi để cây bên ngoài, cây thường bị rệp tấn công. Nếu cây chỉ vừa mới bị nhiễm, bạn có thể loại bỏ bằng tay hoặc xịt nước mạnh lên cây. Trường hợp bị nặng bạn có thể sử dụng dầu neem.
Cách xử lý: Để trị rệp các bạn nên dùng thuốc như: Map jono 25 WP, Regent 0.3G, Movento 150OP, 7-10 ngày phun 1 lần, phun 2-3 lần là hiệu quả.
Nhện ve
Nếu thấy cây Kim Ngân xuất hiện bọ nhện thì đây chính là lúc cần tăng độ ẩm cho cây. Bạn có thể quan sát dưới mặt lá có một lớp màng trắng. Lúc này bạn cần tắm cho cây và tăng độ ẩm.
Cách xử lý: Dùng thuốc như: Dầu khoáng SK Enspray 99EC , bihoper 27EC, 7-10 ngày phun 1 lần, phun 2-3 lần giúp phát huy tối đa hiệu quả trong việc trị nhện ve.