Từ cây cảnh ban đầu giá 200 triệu, theo thời gian qua nhiều chủ giờ đã lên giá 4 tỷ đồng. Chủ cũ tiếc "hùi hụi" ngỏ lời mua lại nhưng chủ mới quyết không bán.
Cây cảnh được nhiều người dùng để tạo một không gian xanh gần gũi cho nhà của mình, vừa trang trí mà lại mang đến nhiều may mắn cho gia chủ. Thời gian qua trong giới chơi cây cảnh có không ít những cây cổ được ngã giá tiền tỷ thậm chí tới cả chục tỷ, cây độc lạ "hiếm có khó tìm" giá còn lên đến trăm tỷ đồng.
Chiêm ngưỡng cây sanh cổ định giá 4 tỷ đồng. Ảnh: Thương Hiệu & Sản Phẩm
Vừa qua, một tác phẩm sanh bonsai có tên gọi "chùa một cột" với dáng thế tạo hình mang ý nghĩa biểu tượng ngàn năm văn hóa của Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Cây này từng được chủ cũ bán với giá 1 tỷ đồng sau một thời gian tìm về chủ mới xin mua lại 4 tỷ nhưng chủ cây không đồng ý chuyển nhượng.
Thông tin trên Thương Hiệu & Sản Phẩm cho biết, cây sanh bonsai thuộc hàng hiếm khi tạo dáng thế lạ và có tuổi khoảng 100 năm. Chủ nhân hiện nay của cây sanh cổ có dáng “chùa một cột” là anh Bùi Thanh Sơn (một nghệ nhân cây cảnh ở Hưng Yên).
Do tuổi đời trăm năm nên rễ và thân nổi u cục. Ảnh: Dân Việt
Sau khi mua lại từ người chủ đầu tiên, anh Sơn luôn tiếp những vị khách yêu cây cảnh đến chơi và trả giá nhưng vẫn chưa gật đầu bán. Anh Sơn còn tiết lộ, trước đó, anh mua cây cảnh này trên 1 tỷ, sau một năm chủ cũ đến hỏi mua lại, trả gần 4 tỷ đồng nhưng anh không bán.
Được biết, người chủ cũ của cây sanh cổ "chùa một cột" cũng là người khá nổi tiếng trong giới cây cảnh, anh này mua cây năm 2009 tại triển lãm ở Quảng Ninh với giá 200 triệu đồng. Thời điểm đó cây chưa có hình dáng hoàn hảo như bây giờ.
Cây sanh cổ này từng được người chủ kỳ công tạo tác tay cành hơn 10 năm mới hoàn thiện thế dáng.
Cây sanh cổ thụ cao khoảng 1,5m, được trồng trong chậu đá dài khoảng 1,2m. Phần thoát thân và các tầng phía trên cân đối, hài hòa. Các cành kết vào nhau thành một khối.
Nhìn từ xa cây sanh cổ thụ có bệ rễ lớn, tạo thế vững chãi cho tác phẩm. Cây có tuổi đời gần 100 năm nên rễ, thân nổi u cục, tưới nước vào cây – vỏ cây nổi lên một màu đồng rất đẹp.
Cây cảnh này có 3 tầng giống hình chùa một cột ở Hà Nội, mỗi tầng có hình dáng khác nhau, tầng gần thân (dưới cùng) phẳng, tầng 2 hơi lõm xuống và tầng 3 hình quả Phúc.
Đây không phải lần đầu tiên trong giới cây cảnh khi chủ cũ bán cây lại tiếc "hù hụi" vì cây được định giá tăng lên nhiều lần sau đó. Cụ thể, vào khoảng giữa năm 2020, ông Phan Văn Toàn (biệt danh Toàn đô-la, Tp.Việt Trì – Phú Thọ) đã bỏ ra 28 tỷ đồng mua cây sanh "Tiên lão giáng trần" từ ông Nguyễn Văn Chí ở Thường Tín, Tp.Hà Nội.
Thời điểm đó vụ chuyển nhượng này đã gây chấn động cả làng cây cảnh Việt Nam bởi cây sanh có giá trị "khủng". Được biết, trước đó, anh Chí mới mua tác phẩm này của anh Dương Văn Mười (Thường Tín) với giá 16 tỷ đồng.
Chỉ qua một năm chăm sóc tại khuôn viên cây cảnh gia đình, tác phẩm “Tiên lão giáng trần” nhà anh Toàn đã có rất nhiều đoàn, người yêu cây cảnh trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng.
Cây sanh cổ mua 28 tỷ, sau một năm đã có khách trả gấp gần 4 lần nhưng vị "đại gia" chơi cây cảnh không bán. Ảnh: Dân Việt.
Trao đổi với Dân Việt anh Toàn cho hay, ngày mang cây từ Thường Tín về anh đã nói trước những người yêu cây cảnh là anh may mắn sở hữu được một “báu vật”, bởi đây là tác phẩm hội tủ đầy đủ yếu tố của một cây cảnh cổ kính, đương đại.
"Thời điểm đó tôi cũng khẳng định mua tác phẩm này với giá 28 tỷ đồng là rất rẻ dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng theo thời gian đã chứng minh lời tôi nói rất đúng. Có khách là người chơi lan var (lan đột biến) đã trả giá 100 tỷ đồng nhưng tôi chưa đồng ý", anh Toàn nói.