Trong danh sách "Top 5 siêu cây cảnh cổ thụ nhất hành tinh" của website Bonsaiempire, có 2 cây bonsai nắm giữ vị trí thứ 3 và thứ 4 (hơn 800 năm tuổi) đều thuộc về bàn tay chăm sóc tinh tế của "bậc thầy bonsai" Nhật Bản Kunio Kobayashi.
Câu chuyện cuộc đời của "bậc thầy bonsai" nổi tiếng thế giới Kunio Kobayashi sớm nảy nở tình yêu với bonsai từ khi còn là chàng thanh niên trẻ tuổi đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người yêu cây cảnh trên khắp thế giới.
"Phải lòng" với sức sống mãnh liệt của những cây xanh được tìm thấy ở những nơi khắc nghiệt, Kunio Kobayashi như tìm thấy "chân lý" cuộc đời mình năm 28 tuổi: Dành tình yêu và cuộc sống để chăm sóc bonsai.
"Bonsai đã "dạy" tôi nhiều điều. Vẻ đẹp hội tụ từ khí trời của bốn mùa cùng sự uy nghi và thế tuyệt mỹ của bonsai không chỉ khiến tôi mê mẩn mà còn tạo động lực sống trong cuộc đời thực."
"Bậc thầy bonsai" Kunio Kobayashi tận tay chăm sóc những tạo tác của thiên nhiên trong khu vườn bonsai của mình. Ảnh: Wattention.
Trong cuộc phỏng vấn với Bonsaiempire, nghệ nhân Kunio Kobayashi cho biết, trong 4 chuẩn mực đẹp của cây cảnh bonsai (cổ - kỳ - mỹ - văn) thì trong yếu tố "mỹ" (đẹp) thì một cây bonsai đẹp là phải có thế (dáng) đẹp.
"Một bonsai đẹp không chỉ hội tụ yếu tố nghệ thuật đến từ bàn tay chăm sóc, tỉa tót của con người. Bonsai đẹp còn phải mang được đến cho người thưởng lãm cảm nhận về sức sống tràn nhựa sống từ thiên nhiên, khiến ta vì thế mà luôn muốn vươn lên trong cuộc sống."
Nghệ nhân chăm sóc cây cảnh thường tạo thế cho cây theo các thế bonsai sau, bao gồm: Thẳng đứng (Chokkan), thẳng đứng phóng khoáng (Moyogi), nghiêng (Shakan), thác đổ (Kengai) và nửa thác đổ (Han Kengai). Đây là 5 thế bonsai cơ bản.
Về sau, nghệ nhân sáng tạo thêm nhiều thế tuyệt đẹp khác như: Rễ phủ trên đá (Sekijoju), rễ trong đá (Ishizuke), chổi (Hokidachi), bạt phong (windswept), song thụ và tam thụ (Ikadabuki), thế lùm (clump style), văn nhân (bunjin-gi), thế cành rủ (weeping style), thế gỗ mục (dead wood) và nhóm cây hay rừng (Yose Uye)... (xem hình).
Sau hơn 40 năm cuộc đời hết lòng chăm sóc, nuôi nấng những tạo phẩm thiên nhiên tuyệt đẹp, ông Kunio Kobayashi mong muốn phổ biến nghệ thuật tinh tế của bonsai Nhật khắp thế giới.
40 năm đã qua và nhiều năm tiếp theo nữa, Kunio Kobayashi tiếp tục trau dồi những kỹ năng chăm sóc bonsai rồi truyền dạy cho các thế hệ tiếp theo nhằm lưu giữ loại hình nghệ thuật đầy tinh tế này.
Hiện tại, có khoảng 200 học viên quốc tế đến từ 20 quốc gia trên thế giới theo học kỹ năng chăm sóc tuyệt đỉnh của nghệ nhân Kunio Kobayashi.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của nghệ nhân Kunio Kobayashi trong nghệ thuật trồng bonsai của Nhật Bản, từ năm 1989 đến nay, "bậc thầy bonsai" đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá của Thủ tướng Nhật; Ngoài ra, ông còn được mời tham dự tại các triển lãm quốc tế ở khắp nơi trên thế giới.
Những thế bonsai "kiểu mẫu".
Shunka-en - "Đứa con" để đời của "bậc thầy bonsai" Nhật Bản
Cách đây 15, Kunio Kobayashi quyết định thiết lập khu vườn bonsai Shunka-en. Giờ đây, với hơn 1.000 cây cảnh (có những bonsai lọt top bonsai đắt nhất thế giới), khu vườn đã trở thành Bảo tàng bonsai Shunka-en tại Tokyo mở cửa đón khách quốc tế thăm quan.
Bonsaiempire nhận định, dưới "đôi tay vàng" và tình yêu cả đời của người nghệ nhân Kunio Kobayashi, vườn cây cảnh hàng trăm năm tuổi mang luôn cả vẻ đẹp của trái tim con người và sức sống mãnh liệt của tự nhiên. Đó chính là "bí mật" khiến cho bản thân người nghệ nhân và hàng nghìn cây cảnh nơi đây trở nên nổi tiếng và đáng khát khao bậc nhất thế giới.
Cùng ngắm bộ sưu tập bonsai "vô giá" được giới nhà giàu khát khao có được bậc nhất của nghệ nhân Kunio Kobayashi trong "thiên đường cây cảnh" Shunka-en của ông:
Cây bonsai hơn 800 năm tuổi trong vườn Shunka-en.
Còn đây là cây bonsai 800 năm tuổi trong vườn Shunka-en.
Một góc vườn Shunka-en.
Nguồn: Bonsaiempire, Wattention
Ảnh: Internet