Hoa đồng tiền hẳn là loại hoa không còn quá xa lạ với chúng ta nữa. Với sự đa dạng về loài, màu sắc và hương thơm, hoa đồng tiền được trồng trong chậu, bồn cây, ngoài vườn hoặc dùng để trang trí ban công, phòng khách, vườn hoa, …
A. ĐẶC ĐIỂM của Cây Hoa Đồng Tiền
Tên thường gọi: Cúc đồng tiền
Tên khoa học: Gerbera
Họ: Cúc
Nguồn gốc: từ Nam Phi và Châu Á
1. Đặc điểm hình thái
Hoa đồng tiền là loài cây thân thảo, thân mềm, cao từ 20-40cm, không phân cành mà chỉ xuất hiện nhánh từ thân. Lá cây dài từ 10-15cm, bề rộng 4-7cm và có dạng lông chim thuôn dài, mặt lưng của lá có lớp lông mỏng.
Hoa đồng tiền có hình dáng gần giống hoa cúc. Chúng có hai loại cánh hoa dạng hình lưỡi và hình ống. Cánh hoa hình lưỡi có kích thước lớn hơn, thường xếp thành vòng mọc bên ngoài, cánh hoa hình ống nhỏ hơn và mọc ở bên trong. Khi hoa nở sẽ mọc cánh hoa hình lưỡi trước rồi mới đến cánh hoa hình ống. Ở giữa được gọi là tâm hoa hay mắt hoa.
2. Đặc điểm sinh học
Hoa đồng tiền là loại hoa ưa sáng. Nếu cây được trồng và chăm sóc ở điều kiện đầy đủ áp sáng, sẽ giúp cho cây sinh trưởng phát triển tốt, hoa nhiều, hoa bền.
B. CÔNG DỤNG VÀ Ý NGHĨA PHONG THỦY
1. Đối với đời sống
Hoa đồng tiền có chứa các chất giúp thanh nhiệt, tiêu đờm, làm ngừng cơn ho ( bạn có thể sử dụng cánh hoa đem đi phơi khô nhưng lưu ý nên phơi trong mát sau đó khi cánh hoa khô bạn có thể đem đi nấu nước uống ).
Những ai bị rắn cắn hay bị thương, sưng đau cũng có thể dùng cánh hoa đồng tiền hỗ trợ điều trị ( bạn giã nhuyễn cánh hoa sau đó cho một ít nước đun sôi để nguội vào rồi lọc ra lấy nước uống, riêng xác hoa thì bạn lấy đắp lên những vết thương này )
Thiên về tâm linh, hoa đồng tiền được biết đến là loài hoa mang lại tiền tài và lộc cho gia đình, vì thế đây là loại hoa không thể thiếu trong các dịp tết.
2. Trong phong thủy
Không chỉ mang vẻ đẹp tươi sáng rực rỡ, hoa đồng tiền còn mang trên mình nhiều ý nghĩa đặc biệt khác nhau. Trong những dịp xuân về tết đến, hoa đồng tiền mang trên mình ý nghĩa tài lộc và may mắn.
Từ xa xưa, mọi người tin rằng vào ngày Tết nếu có một chậu hoa đồng tiền trong nhà sẽ giúp gia chủ làm ăn phát đạt, gặp nhiều thành công. Bên cạnh đó, nó còn giúp hoá giải điềm xấu và mang lại vận may cho gia chủ.
Không chỉ vậy hoa đồng tiền còn mang ý nghĩa hạnh phúc. Trang trí hoa đồng tiền vào dịp Tết với mong muốn cầu chúc cho gia đình năm mới vui vẻ, bình an và hạnh phúc tràn đầy.
C. CÁCH CHĂM SÓC CÂY HOA ĐỒNG TIỀN
1. Nước
Mỗi ngày vào buổi sáng sớm và chiều mát nên tưới phun mưa nhẹ từ 2-3 lần cho cây bén rễ nhanh. Có thể tưới phun mưa, tưới rãnh, tưới nhỏ giọt đều được nhưng tốt nhất là tưới nhỏ giọt. Tránh tưới quá nhiều làm tăng độ ẩm đất cao gây thối rễ.
2. Ánh sáng, nhiệt độ
Nhiệt độ hợp lý cho cây từ khoảng 15 – 25 độ C. Tuy nhiên cây đồng tiền có thể sinh trưởng ở nhiệt độ 13 – 32 độ C. Ngoài khoảng nhiệt độ này cây sẽ sinh trưởng và phát triển kém, hoa sẽ không đẹp như ý muốn.
3. Đất trồng
Cây đồng tiền không đòi hỏi khắt khe về đất. Tuy nhiên đối với cây trồng để sinh trưởng, phát triển tốt thì cần canh tác trên chân đất tơi xốp, hàm lượng mùn cao, thoáng khí, thoát nước tốt, tốt nhất là đất thịt pha cát, độ pH = 6 - 6,5.
4. Phân bón
Bón lót bằng phân chuồng, vôi, phân vi sinh,...bón thúc bằng phân ure, phân lân, kali. Khi bón phân xong thì nên tưới nước cho phân tan ra, không nên bón sát gốc cây, không bón vào buổi trưa lúc trời nắng gắt.
5. Nhân giống
Để nhân giống hoa đồng tiền bạn có thể áp dụng các cách sau:
Phương pháp tách cây: Để tách cây, bạn hãy đào cả bụi hoa đồng tiền, rũ bỏ đất sau đó dùng tay hoặc dụng cụ tách riêng từng cây khéo léo để không bị đứt rễ. Cuối cùng, bạn chỉ cần trồng hoa đồng tiền xuống đất là được.
Phương pháp invitro: Phương pháp nhân giống này thích hợp trồng số lượng cây lớn với ưu điểm cây ít bệnh, chất lượng hoa đều và tốt nên được áp dụng phổ biến hiện nay.
6. Sâu bệnh thường gặp
Cây hoa đồng tiền thường có một số sâu bệnh hại như: sâu đất cắn phá lúc cây còn nhỏ; sâu xanh cắn phá thân, lá, hoa; Rầy, rệp, nhện…bám chích hút lá, hoa; bệnh sương mai, bệnh đốm lá, bệnh chết rũ…để phòng trừ sâu bệnh cần thực hiện tốt
+ Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại xung quanh ruộng để loại bỏ cây ký chủ của sâu bệnh. Thu gom lá già, lá bị sâu bệnh để tiêu huỷ.
+ Bón phân đầy đủ, cân đối N, P, K. Vào mùa mưa nên tăng cường bón kali.
+ Luân canh cây trồng.
+ Sâu bệnh xuất hiện dùng thuốc hoá học để phòng trừ.