Khế là một giống cây quen thuộc trong cuộc sống của mỗi người dân đất Việt. Ngoài ra, thì cây còn có ý nghĩa là nhắc nhở con cháu dù có đi đâu cũng không được quên gốc gác. Hiện nay cây khế còn trở thành một giống cây cảnh được nhiều người yêu thích. Vậy sau đây chúng ta hãy cùng nhau khám phá về giống cây khế chua này qua bài viết dưới đây nhé!
A. ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂY KHẾ CHUA
- Tên thường gọi: Cây Khế Chua
- Tên khoa học: Averrhoa carambola,
- Họ: Oxalidaceae
- Nguồn gốc: Từ Sri Lanka
1. Đặc điểm hình thái
Khế là một trong những loài cây tuy là lâu năm nhưng thân của nó không quá to và không quá cao nên phù hợp trồng tại sân vườn. Cây khế thuộc loài cây đa niên, có thể cao đến 5-12 mét. Các cây khế cổ thụ có thể sống hàng trăm năm (có thể đến 1.000 năm).
Cây khế có bộ rễ thuộc loại rễ trụ ăn sâu và lan tỏa rất rộng dưới lòng đất. Nếu được trồng bằng hạt hoặc ghép thì có rễ cọc ăn sâu xuống lòng đất khoảng 2 m.
Lá khế thuộc họ lá kép, mọc cách, dài khoảng 50cm với 11 lá đơn. 10 lá ở hai hàng còn 1 lá chính giữa phía đầu. Lá khế có hình bầu dục và kích thước nhỏ dần xuống dưới. Mặt dưới của lá khế có màu xanh nhạt hơn mặt trên.
Hoa khế mọc theo chùm có màu đỏ với cuống hoa ngắn. Quả khế mọng nước, dễ phân biệt vì có 5 múi giống hình ngôi sao. Quả lúc chưa chín thì có màu xanh và màu vàng khi chín.
Là loại cây ăn trái cho bóng mát, Quả khế là quả mọng, tiết diện hình ngôi sao 5 cánh, dài 8-10 cm, rộng 6-7 cm. Da quả mỏng, mịn và bóng, khi còn non có màu xanh lục nhạt, khi già chuyển dần sang màu vàng đậm.
Quả chứa nhiều hạt hình bầu dục với hai đầu nhọn. Hạt khế có màu vàng nâu, kích thước nhỏ, bên ngoài hạt có lớp áo hạt nhớt màu trắng ngà. Khế ra hoa quả 1 hoặc 2 vụ một năm với số lượng hoa quả rất nhiều, hoa thụ phấn tự nhiên nhờ gió hoặc côn trùng.
2. Đặc điểm sinh học
Cây khế thích nghi với vùng khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Cây sống tốt trên nhiều loại đất, nhưng phát triển tốt nhất là trên đất nhiều mùn, dễ tiêu thoát nước, tơi xốp vì rễ khế dễ bị thối khi bị ngập úng. Độ pH của đất thích hợp là 5,5 đến 6,5.
Cây khế chịu được biên độ nhiệt rộng, cây lớn có thể chịu được rét đậm, rét hại và nắng nóng (mùa đông có thể chịu đựng được từ 5-10 độ C). Cây chủ yếu tái sinh bằng hạt, tuy nhiên vẫn có thể nhân giống bằng cách chiết cành.
B. CÔNG DỤNG VÀ Ý NGHĨA PHONG THỦY
1. Đối với đời sống
Cây khế là cây quen thuộc với đời sống của người Việt Nam ta bởi dễ trồng và có nhiều công dụng hữu ích cho cuộc sống hàng ngày. Cây khế không chỉ cho quả ăn ngon mà còn có thể làm cây che bóng mát, trang trí trong sân vườn của gia đình.
Hiện nay cây khế cũng được trồng trong chậu để làm cây bonsai nghệ thuật, với màu sắc hài hòa sẽ làm cho ngôi nhà được tươi sáng và mát mẻ.
Ngoài có công dụng để ăn cây khế còn có thể làm thuốc chữa bệnh. Quả khế có tính hàn, có thể giải độc, lợi tiểu, mát gan. Lá khế có thể chữa ung nhọt, ngứa chân tay, khi bị lở loét chỉ cần giã nhỏ lá khế rồi đắp vào vết ngứa rồi rửa sạch bằng nước là có thể chữa khỏi. Gia đình nào có trẻ nhỏ, khi trẻ bị sốt chỉ cần ép lá lấy nước uống là có thể hạ sốt tức thời.
2. Trong phong thủy
Cây khế cũng có ý nghĩa phong thủy. Cây lớn khỏe, cành lá xum xuê và quả màu vàng chín là tượng trưng cho những may mắn, phát triển, thịnh vượng của gia chủ. Gia chủ trồng khế ở khuôn viên nhà sẽ gặp điều tài lộc, phú quý.
C. CÁCH CHĂM SÓC CÂY KHẾ
1. Nước
Lượng nước tưới cho cây vừa phải chỉ cần chú ý khi cây trong giai đoạn từ cây con đến khi trưởng thành. Giai đoạn từ tháng 6 đến cuối năm là giai đoạn cho ra quả thì nên tăng cường lượng nước..
2. Ánh sáng, nhiệt độ
Cây ưa nắng trồng nơi thoáng gió, rộng rãi, tuy nhiên cũng chịu được bóng râm một phần.
Chịu được nhiệt độ cao, chịu nóng chịu rét được kể cả rét đậm. Nhiệt độ phù hợp với cây là từ 22 – 26 độ C thì cây sẽ cho quả ngon ngọt.
3. Đất trồng
Đất trồng thích hợp với cây là loại đất ẩm, nhiều mùn, nhiều dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt, độ pH thích hợp từ 5.5 – 6.5.
4. Phân bón
Để cây Khế chua cho ra nhiều trái và chất lượng quả tốt thì đòi hỏi bạn phải bón phân định kì và hợp lý cho cây. Lưu ý hàm lượng và thời gian bón phân sẽ khác qua các năm.
Ví dụ: Trong 3 năm đầu: vì đây là thời kì sinh trưởng nhất của cây nên lượng phân bón gồm: 200 – 400g NPK và 5 kg phân chuồng hoai mục.
Những năm tiếp theo là giai đoạn cây cho thu hoạch quả nên lượng phân bón mỗi năm cần tăng khoảng 15%.
5. Nhân Giống
Cách chiết cành khế
Tương tự như xoài việc chiết cành khế nên thực hiện khi cây bắt đầu một mùa phát triển mới. Khế thường bắt đầu phát triển vào mùa xuân và ra hoa kết trái vào mùa thu. Do đó thời điểm tốt nhất để chiết cành khế là vào cuối mùa xuân đầu hè.
Việc xác định đúng thời điểm chiết cành sẽ giúp cho cây phát triển tốt, cành chiết nhánh ra rễ. Đồng thời cũng đảm bảo mùa vụ. Không nên chiết cây vào thời điểm cây ra hoa hoặc ra quả. Chiết thời điểm này vừa ảnh hưởng tới năng suất vừa khiến cây kém phát triển.
Thời điểm mùa đông cây cũng kém phát triển và thời tiết đặc biệt ở miền Bắc nước ta thường khá lạnh. Do đó cũng không nên chiết cây vào thời điểm này.
Chuẩn bị dụng cụ
Các dụng cụ để chiết cành khế thường đơn giản và không yêu cầu nhiều. Các dụng cụ bao gồm dao sắc, đất bó cây, mảnh nilong bó cây, dây lạt hoặc dù, kéo hoặc cưa cắt tỉa cành. Nếu có điều kiện bạn nên khử trùng bằng cồn với sao và kéo.
Chọn cây và cành chiết
Hiện nay có rất nhiều loài khế với các đặc tính khác nhau như khế chua, khế ngọt và nhiều loài khế lai khác. Bạn nên chọn những loại phù hợp với điều kiện trồng trọt cũng như sở thích ăn khế của bạn.
Về cành cây bạn nên chiết cành từ những cây khế tươi tốt, còn xanh đang phát triển không có dấu hiệu sâu bệnh. Các cây khế nên có độ tuổi ít nhất là trên 1 năm. Bạn cũng nên chọn những cây đã từng ra trái ít nhất một mùa để đảm bảo giống cây cũng như đúng loại khế bạn mong muốn.
Với những cây khế đã già hơn, bạn chỉ nên chiết những cành còn trẻ. Các cành có đường kính khoảng từ 1 cm tới 1.5 cm và dài khoảng 60 cm là hợp lý để chiết. Nên chọn những cành ở cao để chiết sẽ giúp giảm chiều cao của cây, tạo điều kiện thuận lợi để thu hoạch.
Bạn cũng nên làm thông thoáng các cành chiết trước khi bắt đầu. Dùng kéo hoặc cưa tỉa bớt cành yếu, cành già cỗi. Điều này vừa giúp bạn dễ thao tác trong chiết cành vừa giúp cây thông thoáng tập trung cho phát triển cành chiết.
Lột vỏ
Bước tiếp theo đó là khoanh và lột vỏ. Vào những ngày mưa sẽ dễ lột vỏ hơn do chúng tăng dòng lưu thông từ gốc lên ngọn. Dùng dao sắc rạch hai đường quanh cành cách nhau một khoảng 2cm.
Tiếp tục cắt vuông góc qua vỏ cây giữa hai vết cắt này. Sau đó bóc vỏ giữa hai vết cắt đó. Nếu có thời gian bạn nên để vết cắt một tới hai ngày cho khô lại rồi mới tiến hành bó đất. Tuy nhiên nếu để vết cắt bạn nên bọc chúng lại bằng nilong để tránh sự phát triển của vi sinh vật và nấm.
Có một cách khác nữa để có thể bó luôn bầu đó là dùng dao cùn cạo một lớp mỏng sau khi bóc vỏ. Tuy nhiên cách này yêu cầu bạn có một số kĩ năng nhận biết nhất định. Nếu cạo quá sâu có thể khiến cành kém phát triển thậm chí chết.
Các chuyên gia nông nghiệp khuyên rằng bạn nên dùng thuốc kích thích ra rễ bôi vào vết cắt để cành ra rễ tốt hơn. Chấm một ít thuốc kích thích rễ vào bông gòn và bôi vào chỗ lột vỏ trước khi bó bầu.
Việc cạo hay để vết bóc vỏ một thời gian sẽ làm gián đoạn dòng chảy của nước và chất dinh dưỡng từ rễ cây đến cuối cành. Bạn hãy nhớ làm cho vết cắt thật sắc và gọn gàng. Đây là vị trí mà rễ mới sẽ bắt đầu phát triển.
Bó bầu
Đất dùng để bó cành chiết nên là đất thịt giàu dinh dưỡng, hoặc đất pha cát và có khả năng giữ nước tốt. Thông thường các nhà nông sẽ thêm ít rơm băm nhỏ, mùn và một chút phân hữu cơ.
Sau đó làm ướt hỗn hợp bằng nước đến khi có thể nặn đất thành những hình gần cầu kích thước cỡ bằng nắm tay. Bạn cũng có thể thêm một ít thuốc kích rễ để trộn cùng sẽ khiến cây ra rễ nhanh hơn. Số lượng bầu tương đương số cành bạn chiết, không nên làm thừa tránh lãng phí.
Bầu đất đã tạo tròn sẵn có thể đem đi bó cây. Bạn nên tách đôi bầu đất, để cành khế đã lột vỏ vào giữa sau đó nặn bầu đất cố định lại tại vị trí đó.
Buộc nilong và cố định
Bước tiếp theo đó là bọc bầu đất đó lại. Bạn nên dùng nilong trong để dễ quan sát khi chúng mọc đủ rễ. Kích thước tấm nilong phụ thuộc vào kích cỡ bầu đất nhưng thông thường sẽ là hình vuông có kích thước khoảng 20cm x 20cm hoặc 30cm x 30cm.
Bọc tấm nilong quanh bầu đất và buộc chặt hai đầu bằng lạt hoặc dây dù. Vậy là xong quá trình chiết. Việc ra rễ của khế thường sẽ nhanh hơn xoài. Thông thường sẽ là sau vài tuần đến 3 tháng.
6. Sâu bệnh thường gặp
Khế thường bị các loại sâu non (thuộc bộ cánh phấn) và ruồi đục trái phá hoại. Chúng gây hại cả hoa và trái non. Để phòng trừ có thể dùng Trebon 0,2% phun vào giai đoạn trái còn nhỏ, nếu phun vào giai đoạn trái lớn, dễ gây ngộ độc. – Hàng năm, vào mùa khô, dùng nước vôi bão hoà quét vào gốc cây để bảo vệ cây, ngăn ngừa các loài sâu đục vỏ, đục thân, … xâm nhập gây hại. – Vệ sinh vườn sạch sẽ, quét dọn lá rụng, trái rụng đưa ra khỏi vườn..